Những vấn đề sản phụ thường băn khoăn sau sinh

Sau quá trình sinh nở, các sản phụ thường phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn trong việc ăn uống, vận động, cho con bú,… Xử lý tốt những vấn đề này không chỉ đảm bảo sức khỏe cho em bé mà còn giúp nâng cao sức khỏe người mẹ, giúp mẹ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Bài viết sẽ giải đáp những vấn đề thường gặp sau sinh nhằm đảm bảo sức khỏe và tâm lý tốt cho cả mẹ và bé.

1. Chế độ ăn sau sinh như thế nào?

1.1 Chế độ ăn uống sau sinh thường

Sản phụ vừa trải qua một cuộc chuyển dạ tiêu hao nhiều năng lượng nên cần phải có một chế độ ăn uống khoa học, đủ chất dinh dưỡng để mau hồi phục sức khỏe và có đủ sữa cho con bú.

Theo đó, sau sinh thường, sản phụ nên ăn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, trái cây,… và tránh những gia vị có chất kích thích như ớt, trà, cà phê,… vì sẽ gây ảnh hưởng tới việc tiết sữa. Các bà mẹ cũng cần chú ý ăn chín, ăn nhiều rau xanh, trái cây, tích cực cho con bú và uống đủ nước (khoảng 2 lít nước mỗi ngày), uống thêm sữa, nước hoa quả,… để đảm bảo đủ lượng sữa cho bé.

1.2 Chế độ ăn uống sau sinh mổ

Lựa chọn sinh mổ đồng nghĩa với việc sản phụ sẽ mất nhiều máu hơn sinh thường. Vì vậy, gia đình cần chú trọng việc bồi dưỡng, giúp sản phụ mau hồi phục sức khỏe.

Cụ thể, sản phụ không được ăn gì trong vòng 6 giờ đầu sau mổ. Nguyên tắc ăn uống là sản phụ sẽ ăn từ lỏng đến đặc, được ăn cơm khi đã xì hơi. Trong ngày đầu sau sinh mổ, sản phụ nên uống nước lọc, nước đường và ăn cháo loãng. Sau khi xì hơi, sản phụ có thể ăn uống như bình thường, tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa,… và tránh các gia vị có chất kích thích như ớt, trà, cà phê; uống đủ nước, tăng cường ăn rau xanh và trái cây.

2. Chế độ vận động sau sinh như thế nào?

2.1 Chế độ vận động, nghỉ ngơi sau sinh thường

Về chế độ vận động sau sinh :

Vận động sau sinh là việc làm cần thiết để giúp tử cung co hồi tốt, tránh chảy máu sau sinh, tránh bế sản dịch và thuyên tắc mạch. Những ngày đầu sau sinh, sản phụ có thể ngồi dậy ra khỏi giường, đi lại nhẹ nhàng trong phòng. Bên cạnh đó, sản phụ cần chú ý vệ sinh vùng kín, lau khô sau mỗi lần tiêu, tiểu; thường xuyên thay băng vệ sinh để tránh viêm nhiễm.

\Tùy thuộc vào thể trạng của từng người, sau một tuần sản phụ có thể tập các bài thể dục nhẹ nhàng. Trong quá trình sinh nở, cơ thể toát nhiều mồ hôi nên sản phụ cần phải tắm gội sạch sẽ. Phòng tắm cần phải kín gió, nên tắm bằng nước ấm và không ngâm mình lâu trong bồn tắm. Phụ nữ mới sinh nên tắm nhanh trong 5 – 10 phút, tắm xong phải lau khô người thật nhanh và mặc đầy đủ quần áo. Khoảng 3 – 4 ngày sau sinh, sản phụ có thể gội đầu nhưng nên gội nhanh, lau đầu cho thật khô, có thể dùng máy sấy để sấy khô tóc. Các bà mẹ vừa sinh chú ý không tắm gội cùng lúc để tránh phải tiếp xúc lâu với nước, tránh nguy cơ chóng mặt và té ngã do phải vận động nhiều, cúi đầu lâu.

2.2 Chế độ vận động, nghỉ ngơi sau sinh mổ

Về chế độ vận động và nghỉ ngơi:

Ngày đầu sau mổ, sản phụ có thể cử động tay chân, xoay trở nhẹ trên giường. Sau đó, tùy tình hình sức khỏe, sản phụ có thể bước xuống giường, tập đi bộ trở lại để phục hồi các chức năng bình thường của cơ thể, giảm nguy cơ gặp các biến chứng sau phẫu thuật như bế sản dịch, thuyên tắc mạch,… Với những sản phụ đã trải qua giai đoạn khó chuyển dạ trước khi quyết định mổ lấy thai hoặc bị mất nhiều máu trong lúc sinh thì cần nghỉ ngơi nhiều hơn.

Chăm sóc vết mổ:

Sau 3 – 5 ngày, vết mổ sẽ lành da. Nếu vết mổ được may bằng chỉ tiêu thì sẽ không cần phải cắt chỉ. Nếu vết mổ may bằng chỉ không tiêu, bác sĩ sẽ chỉ định cắt chỉ trong khoảng 5 – 7 ngày sau mổ. Trong thời gian này, người mẹ có thể lau người hoặc tắm nhanh với nước ấm, sau đó lau khô toàn thân và vết mổ. Chú ý sản phụ không băng kín vết mổ hoặc bôi các dung dịch sát khuẩn lên vết mổ nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Cho con bú:

Tùy tình trạng sức khỏe, sau sinh mổ bằng hình thức gây tê, sản phụ có thể cho con bú sau khoảng 30 – 60 phút. Với sản phụ gây mê toàn thân, sau khoảng 6 giờ có thể cho con bú.

3. Bụng to sau khi sinh có sao không?

Sau khi sinh, các sản phụ thấy bụng vẫn to, sờ thấy có một khối cứng ở vùng bụng và băn khoăn không biết tình trạng này có nguy hiểm không. Thực tế thì đó là biểu hiện sinh lý bình thường, các bà mẹ không cần lo lắng. Cụ thể, trong quá trình mang thai, tử cung của các bà mẹ sẽ lớn nhanh để chứa thai nhi, nhau thai và nước ối. Sau sinh, tử cung sẽ co hồi nhanh, giúp cầm máu sau sinh. Nếu sau sinh sản phụ sờ thấy có một khối cứng nằm ngang rốn thì đó là tử cung và đây không phải dấu hiệu nguy hiểm đối với sức khỏe.